Hà Nội: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Mê Linh

(Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1739/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Theo quyết định, quy mô diện tích nghiên cứu điều chỉnh khoảng 16,7ha trong đó khu I 2ha; khu II 14,7ha. Quy mô dân số khoảng 4.577 người (Khu I: khoảng 1.678 người; Khu II: khoảng 2.899 người).

Cụ thể khu I: Đất công cộng có diện tích khoảng 4.095m2, chiếm khoảng 20,2% diện tích đất Khu I, bao gồm 01 ô đất có ký hiệu CCKV; Đất hỗn hợp có diện tích khoảng 12.709m2, chiếm khoảng 62,6% diện tích đất Khu I, bao gồm 01 ô đất có ký hiệu HH; Đất đường giao thông cấp đô thị và khu vực gồm đường chính đô thị và đường chính khu vực có tổng diện tích khoảng 3.492m2, chiếm khoảng 17,2% diện tích đất Khu I.

Khu II: Đất đường giao thông cấp khu vực gồm đường chính khu vực và đường khu vực có tổng diện tích khoảng 19.559m2, chiếm khoảng 13,3% diện tích đất Khu II; Đất trường THCS có diện tích khoảng 8.302m2, chiếm khoảng 5,6% diện tích và đất Khu II, bao gồm 01 ô đất có ký hiệu TH-01; Đất trường mầm non có diện tích khoảng 5.062m2, chiếm khoảng 3,4% diện tích đất Khu II, bao gồm 01 ô đất có ký hiệu TH-02; Đất cây xanh, thể dục thể thao đơn vị ở có diện tích khoảng 14.147m2, chiếm khoảng 9,6% diện tích đất Khu II, bao gồm 02 ô đất có ký hiệu CX-01; CX-02; Đất nhóm nhà ở có tổng diện tích khoảng 76.404m2, chiếm khoảng 51,8% diện tích đất Khu II; Đất bãi đỗ xe có diện tích khoảng 2.025m2, chiếm khoảng 1,4% diện tích đất Khu II.

UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ, Quy định quản lý theo đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phù hợp nội dung Quyết định này.

UBND huyện Mê Linh chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam tổ chức công bố công khai nội dung Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.

Hồng Quang

Không gian bất ngờ trong ngôi nhà mái lá giữa thành phố Biên Hòa

Khoảng sân rộng gần 600 m2 với giếng nước, cây xanh biến khu nhà trở thành một thế giới bình yên giữa phố.

Trên mảnh đất cũ của gia đình, anh Phong (TP Biên Hòa, Đồng Nai) muốn dựng lại ngôi nhà trong ký ức tuổi thơ. Anh từng sống trong khu nhà mái lá có giếng khơi, gốc cây mẹ trồng với những tán lá đan cài dưới hàng hiên.

Các kiến trúc sư đã giúp anh Phong dựng lại ngôi nhà mới 2 tầng gợi nhớ tổ ấm xưa nhiều thương nhớ. Nhà đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn giao hòa với thiên nhiên nhờ khu vườn xanh mát, sân trong, giếng nước, hồ cảnh…

Trên khu đất 800 m2, chủ nhà chỉ xây hơn 200 m2, dành phần lớn cho không gian ngoài trời.

Hành lang cong mềm mại ôm lấy khoảng sân trong xanh mát với mặt nước và cây cảnh bố trí linh hoạt.

Ngôi nhà kế thừa nét kiến trúc dân gian với các thớt mái lá rộng, khoảng hiên nép dưới mái lá.

Các phòng được che chắn bởi mái vọt và hệ lam gỗ. Tường bao che hai lớp, giữa có lớp xốp cách nhiệt.

Công trình gợi hình ảnh vừa quen vừa lạ, vừa dân gian mà hiện đại. Ngôi nhà như một gợi ý cho việc kế thừa những giá trị kiến trúc cốt lõi từ nông thôn.

Mỗi phòng có ít nhất hai mặt tiếp xúc thiên nhiên, tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu.

Sàn gạch hoa bố trí tông màu ngẫu hứng, đầu giường sử dụng gỗ mộc hay các bức vách dạng cửa chớp khiến phòng ngủ có cảm giác gần gũi, thân thuộc.

Hệ lam gỗ chạy dọc hành lang, tạo bề mặt cong chắn nắng tây nam. Các kiến trúc sư sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như pin mặt trời, hệ thống thu nước mưa tưới cho cây xanh trong nhà.

Công trình được thiết kế bởi KTS Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Trọng Đức, Vũ Xuân Sơn, Nguyễn Bình Minh, Nguyễn Anna Ngọc (Văn phòng 1+1>2) và Toko Studio.

Theo Ban Mai – Ảnh: Vũ Xuân Sơn/Vnexpress.net

Kiến nghị Thủ tướng giữ nguyên hiện trạng Bán đảo Sơn Trà

(Xây dựng) – Ngày 21/3, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem xét lại Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà – TP Đà Nẵng, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi triển khai quy hoạch.

Hiện trạng mới đây của một góc bán đảo Sơn Trà gây bức xúc dư luận.

Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng quan ngại, việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành một Khu du lịch quốc gia, trong đó biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên, gia tăng áp lực, khả năng tìm kiếm thức ăn và nơi ẩn nấp của những sinh vật dễ bị nguy hại, dễ bị tuyệt chủng.

Mặc khác, việc xây dựng nhiều công trình khách sạn của các doanh nghiệp nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến bố trí an ninh quốc phòng và uy hiếp đến chiến lược phòng thủ quốc gia một khi các doanh nghiệp này có thể chuyển cho các đối tác nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp.

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ửng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm. Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế-xã hội của dân cư.

Trời xanh, mây trắng giăng giăng trên đỉnh Sơn Trà.

Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo Quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, để xây một công trình khách sạn mất vài năm, nhưng để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất hàng nhiều trăm năm. Vì vậy, việc phát triển du lịch trên Báo đảo Sơn Trà nếu không xem xét thận trọng sẽ ảnh hưởng việc phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai.

Dự án khu nghỉ dưỡng trên khu vực Tây Bắc bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà do Cty CP Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư, Cty TNHH MTV 319 thi công, đang triển khai xây dựng 40 phần móng khi chưa được cấp phép gây bức xúc dư luận.

Giờ đây, Sơn Trà bị băm nát vì các biệt thự dự án khu nghỉ dưỡng.

Bán đảo Sơn Trà từ lâu được xem như là báu vật của TP Đà Nẵng. Có sự đa dạng sinh học gồm: 985 loại thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm), trong đó có cây đa di sản 800 tuổi, 111 loại động vật hết sức phong phú và đặc hữu, trong đó có loài Vọoc Chà vá chân nâu được xếp vào Sách đỏ Việt Nam (2007) và vào Danh sách các loại động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, được đánh giá là một trong những quần thể Vọoc có số lượng lớn nhất trong thế giới tự nhiên, là biểu tượng bảo tồn của Sơn Trà.

Với quy mô diện tích là 4.298ha và diện tích rừng tự nhiên là 2.810ha, đặc biệt bao quanh là các thềm san hô phong phú và đa dạng của biển nhiệt đới, bán đảo Sơn Trà rất thu hút du khách lặn biển quốc tế. Bên cạnh đó, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược quốc phòng hết sức quan trọng, án ngữ cửa ngõ vào TP Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy và đặc biệt là có hệ thống phòng thủ và radar được ví là mắt thần của Đông Dương, khống chế cả một vùng biển Đông rộng lớn.

Trước đây, Sơn Trà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà theo “Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hoan nghênh việc đầu tư các cơ sở hạ tầng, các dịch vụ vui chơi giải trí để làm tăng sức hấp dẫn của du khách đến với Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu không xem xét thận trọng sẽ ảnh hưởng việc phát triển thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Để xây một công trình khách sạn mất vài năm, nhưng để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất hàng nhiều trăm năm.

T.N – Ngọc Long

Nhà tài trợ muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng như sông Tiền Đường

Nhà tài trợ muốn thực hiện quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng (Hà Nội) như đô thị hai bên sông Tiền Đường, TP Hàng Châu (Trung Quốc).

Cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã thống nhất đề xuất 3 nhà đầu tư tổ chức phối hợp tài trợ kinh phí lập quy hoạch, mời các đơn vị tư vấn quốc tế có năng lực, có kinh nghiệm nghiên cứu lập quy hoạch đô thị hai bên bờ sông ở nhiều nước (sông Hàn – Hàn Quốc; sông Hoàng Phố, sông Thiên Tân – Trung Quốc…) tham gia lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Trong cuộc họp về việc rà soát tiến độ triển khai nghiên cứu lập đồ án quy hoạch dọc hai bên sông Hồng, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nêu rõ quan điểm, đồ án quy hoạch dọc hai bên sông Hồng phải được nhiều đơn vị tư vấn thiết kế tham gia nghiên cứu, lập nhiều phương án để có cơ sở khách quan lựa chọn. Phương án được lựa chọn phải có tính khả thi nhất khi thực hiện triển khai đầu tư xây dựng.

Sau khi xem xét, nhà tài trợ muốn thực hiện quy hoạch hai bên sông Hồng như hai bên sông Tiền Đường (Ảnh: Hữu Nghị)

Đầu bài được thành phố đưa ra đó là quy hoạch phải đảm bảo hiệu quả nhất giữa khai thác đô thị, tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng trị thuỷ; Đê và đường kết hợp nối được với các cầu cũ và cầu mới dự kiến xây dựng; Nghiên cứu khai thác bãi giữa, xây dựng các công viên cây xanh kết hợp đô thị bai bên sông; Có giải pháp quy hoạch và phương án đê kè để khai thác tối đa diện tích quỹ đất phát triển đô thị, tạo vốn cân đối kinh phí đầu tư xây dựng…

Trên cơ sở được giao nhiệm vụ mời đơn vị tư vấn quốc tế có năng lực, có kinh nghiệm nghiên cứu quy hoạch hai bên sông, cuối tháng 12/2016, một nhà tài trợ đã sang Thượng Hải, TP Hàng Châu (Trung Quốc) nghiên cứu đô thị hai bên sông Hoàng Phố và sông Tiền Đường.

Sau khi xem xét, nhà tài trợ nhận thấy đô thị hai bên sông Tiềng Đường, TP Hàng Châu (Trung Quốc) có nhiều nét tương đồng với sông Hồng, TP Hà Nội, Việt Nam. Vì vậy, nhà tài trợ muốn thực hiện quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng (Hà Nội) như đô thị hai bên bờ sông Tiền Đường của TP Hàng Châu.

Do vậy, nhà tài trợ đã mời Viện Thiết kế và Quy hoạch TP Hàng Châu (đơn vị tham gia tổ chức thiết kế quy hoạch và thực hiện các dự án theo đồ án quy hoạch hai bên sông Tiền Đường) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5000 cho đô thị hai bên bờ sông Hồng.

Ngày 1/3/2017, nhà đầu tư cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội để làm rõ những vấn đề liên quan.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đề nghị được cung cấp số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn… và các tài liệu liên quan.

Nhà đầu tư cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn công ty liên hệ với UBND thành phố Hà Nội có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường để được cung cấp các số liệu trên.

Theo Quang Phong/Dantri.com.vn

Giải bài toán hạ tầng cho “làng trong phố”

(Xây dựng) – Nhiều vùng nông thôn chỉ sau một đêm đã thành phường, thành quận nhưng hạ tầng chỉ đáp ứng được yêu cầu của thôn, xã. Đó là một trong những thách thức của Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

Dẫn chứng cho điều này từ thực tiễn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Có những quận vẫn còn kế hoạch gieo lúa, trồng khoai. Là cư dân đô thị nhưng vẫn ngóng tiếng sấm để chăm bón cây trồng”.

Hà Nội đang phải trả giá vì có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Có nơi vẫn là phố trong làng. Điều đó cho thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn còn chưa sâu.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, địa phương này cũng “tỉnh ngộ” khi làm quy hoạch phát triển Đà Lạt khi phải điều chỉnh các quy hoạch của các xã sẽ sáp nhập vào thành phố này để lập nên mô hình “làng đô thị xanh”.

Từ thực tế trên, Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 do Bộ Xây dựng soạn thảo được chờ đợi là sẽ giải quyết được những bấp cập trên trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các đô thị.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, quan điểm của Đề án này là xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị.

Từ đó, đề án sẽ định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phải phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đơn cử như huyện Từ Liêm (Hà Nội), sau một đêm đã thành quận, phường nhưng hạ tầng đường xá được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội…

Hay như với TP Đà Lạt, nếu xây dựng nông thôn mới ở một xã ngoại thành và sau này được quy hoạch thuộc thành phố thì từ ngay bây giờ phải tính xem xây dựng quy hoạch kiểu gì, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng nông thôn, nông nghiệp, vừa để nâng chất lượng dịch vụ cuộc sống như của người dân thành thị?

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Đề án cần định hướng các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa của giai đoạn 2016-2020, trong đó cốt lõi là gắn nông thôn mới với đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện hay tại các đơn vị hành chính cấp xã được nâng lên thành cấp phường.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm rõ căn cứ để xây dựng Đề án dựa trên các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khung khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các tư tưởng chính của dự án Luật Quy hoạch mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận.

Về mục tiêu của Đề án, Phó Thủ tướng cho rằng phải đưa ra tầm nhìn xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hài hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa chứ không phải để tạo ra một khuôn mẫu nông thôn mới duy nhất.

Từ mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xác định được khung khổ về quy hoạch phát triển cho nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; đặt ra tỷ lệ % hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo hướng này.

Việc thực hiện Đề án sẽ theo nguyên tắc thị trường, huy động nguồn lực từ người dân và ngân sách của địa phương là chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong các lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện

Vân Anh

Khu vườn trên mái đẹp như công viên nhỏ ở Hà Nội

Giữa thảm cỏ xanh là phòng khách, bàn ăn, xích đu, nằm chen giữa các luống hoa ngập sắc và đàn cá bơi dưới hồ.

Ngay từ khi thiết kế nhà, anh Quang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên kế hoạch làm một khu vườn trồng cây, hoa, nuôi cá cảnh trên mái. Tổng diện tích sân thượng là 200 m2.

Sau khi phần xây thô của công trình được hoàn thành vào cuối năm 2014, các kiến trúc sư của Tùng Lâm Garden bắt đầu tham gia vào quá trình thiết kế sân vườn. Hình ảnh lối dẫn từ cửa ra sân thượng.

Các nguyên vật liệu, đất, cây được vận chuyển lên tầng 10 bằng xe cẩu. Đội thi công phải làm xuyên đêm.

Ngoài thời điểm thi công bất lợi, các kiến trúc sư cũng phải giải quyết nhiều khó khăn khác để có vườn cây đẹp. Vườn trên tầng 10 có gió mạnh, phía sau nhà là nắng gay gắt hướng Tây. Bởi vậy, các cây được lựa chọn trồng đều có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết bất lợi. Sau 3 năm, cây và hoa đều xanh tốt, nở rực rỡ.

Sân vườn không chỉ trồng cây, nuôi cá đơn giản mà được quy hoạch thành một không gian khép kín. Hệ thống tưới tự động được bố trí tạo sự thuận tiện cho gia chủ, cung cấp độ ẩm vừa phải cho cây.

Giữa vườn là nhà tiếp khách, trò chuyện khi trời lạnh hoặc nắng gắt, chỗ nằm sưởi nắng… Bao quanh khu sinh hoạt chung là kính giúp tận dụng tối đa tầm nhìn cho gia chủ và khách.

Phía bên ngoài khu nhà là đường dẫn nước đem lại sự sinh động cho không gian vườn tĩnh lặng, đồng thời giúp giải nhiệt cho ngày hè. Người thiết kế tính toán kỹ để đảm bảo các yêu cầu về chống thấm mái, thoát nước tốt với các vật liệu chuyên dụng.

Các loại cây được lựa chọn gồm cả giống bản địa và cây nguồn gốc nước ngoài nhưng đều thích nghi tốt với môi trường mới. Đất trồng được trộn kỹ để cung cấp dinh dưỡng lâu bền cho cây để ít phải bón phân bổ sung.

Gia chủ có thể tổ chức những bữa tiệc ngoài trời cho gia đình, bạn bè tới chơi. Chất liệu bàn ghế được lựa chọn kỹ để đảm bảo độ bền trong điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường của Hà Nội.

Hệ tủ bếp, nấu nướng, rửa bát tiện lợi và thoáng đãng khi được đặt liền kề chỗ kê bàn ăn.

Những khoảng ngồi uống trà, ngắm cảnh tuyệt đẹp nhìn ra hồ Ba Mẫu, công viên Thống Nhất.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội khiến việc nuôi cá Koi (cá chép Nhật) trên sân thượng khó khăn. Tuy nhiên, gia chủ đã có được nguồn cá tốt, chăm sóc và nuôi dưỡng đúng kỹ thuật. Trải qua nhiều mùa nóng, lạnh, chủ nhà có thể ngắm đàn cá bơi lội tung tăng trong hồ có mực nước thấp, tầm 50 cm.

Theo Ban Mai/VnExpress.net

Nhà đẹp lạ cải tạo từ nhà cấp 4 ở TP.HCM

Từ căn nhà cấp 4 cũ trong một con hẻm tại quận Thủ Đức (TP.HCM), kiến trúc sư đã chọn phương án cải tạo theo yêu cầu của chủ đầu tư thay vì đập đi xây mới.

Căn nhà 3 tầng mang phong cách độc đáo được cải tạo từ ngôi nhà cấp 4 trên diện tích đất 50 m2.

Kiến trúc sư đã khoác lên căn nhà cũ một dáng vẻ mới phù hợp với 3 chủ nhân mới của căn nhà, những người trẻ năng động, ưu thích phong cách xê dịch.

Theo chủ nhà, vì nhà có nhiều hướng mở, nằm trong một con ngõ yên tĩnh nên họ đã quyết định mua và sửa lại.

Vật liệu chính được sử dụng trong căn nhà là gỗ ép và thép với tông màu trắng vàng.

Chủ đầu tư và kiến trúc sư đã thống nhất không sử dụng những vật liệu cầu kỳ đắt tiền để giảm chi phí cho công trình.

Phòng khách chính sử dụng chiếc bàn tam giác nổi bật, tránh cảm giác nhàm chán trong không gian nhiều màu trắng.

Phòng bếp và bàn ăn thông với phòng khách là xu hướng phổ biến trong các căn hộ nhằm tạo không gian thoáng đãng cùng cảm giác cởi mở.

Thay vì sử dụng tủ chạn cầu kỳ, căn bếp sử dụng hai chạn gỗ đơn giản.

Phòng ngủ chính của căn nhà với cửa sổ lớn lấy gió và ánh sáng. Các kiến trúc sư đã khéo léo sử dụng các tấm lợp từ vật liệu thiên nhiên mang lại tính thẩm mỹ cho căn phòng và cắt giảm chi phí cải tạo.

Mỗi phòng ngủ trong nhà đều có một bàn làm việc nhỏ phục vụ nhu cầu của chủ phòng.

Cây đàn piano nổi bật tại khu vực nối phòng ngủ chính với khu vườn ngoài ban công.

Công trình phụ ở tầng 3 phục vụ phòng ngủ chính.

Công trình phụ này được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Việc sử dụng tông màu trắng khiến cả căn nhà trông rộng hơn so với diện tích nền 50 m2.

Tầng 1 và tầng 2 của căn nhà nối với nhau bằng cầu thang thẳng, trong khi đó tầng 3 được nối bằng một cầu thang xoắn.

Hai phòng ngủ phụ trên tầng 2 dùng chung một công trình phụ.

Mỗi phòng ngủ có một tông màu riêng.

Theo Ngô Minh (Ảnh: Quang Tran)/Zing.vn

Hà Nội chưa đồng ý cho nhà đầu tư nào làm quy hoạch hai bên sông Hồng

(Xây dựng) – Đó là khẳng định của ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21/3.

Theo ông Tiên, ngày 20/3, UBND TP Hà Nội tiếp nhận thông tin một số cơ quan báo chí có đăng bài viết có nội dung “UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu số liệu cho Viện thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) để nghiên cứu lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng”.

Về việc này, ông Tiên cho biết, đến thời điểm này, thành phố chưa đồng ý cho một đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai lập các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (Quy hoạch dọc hai bên bờ sông Hồng).

Trên cơ sở đề xuất của ba nhà đầu tư gồm Cty CP tập đoàn Mặt trời, Tập đoàn Vingroup, Cty CP xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội, đề xuất TP chấp thuận được tự nguyện đóng góp tài chính cho việc nghiên cứu trị thủy, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng TP Hà Nội đã có chủ trương tiếp nhận tài trợ của 3 đơn vị trên, giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với 3 nhà đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm để nghiên cứu, đưa ra ý tưởng, phương án thực hiện đồ án.

Ông Tiên cho biết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các tài liệu, thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng gồm: Các hồ sơ thiết kế quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của các đơn vị tư vấn trước đây đã nghiên cứu liên quan dọc hai bên sông Hồng; thông tin về chỉ số thủy văn, chiều dài đê – đường; thực trạng cơ sở hạ tầng, dân số hai bên bờ sông Hồng, diện tích đất đai; đánh giá sự thay đổi của mực nước sông, sau khi có hệ thống thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn các sông Đà và sông Lô trong thời gian vừa qua.

“Các chỉ số thông tin trên đều là những tài liệu công khai, được công bố rộng rãi tại các đề tài nghiên cứu, tài liệu chuyên ngành và phương tiện thông tin đại chúng, không liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Hệ thống tài liệu, thông tin này sẽ được sử dụng để phục vụ cho các nhà tư vấn nghiên cứu, đưa ra ý tưởng thực hiện đồ án quy hoạch”, ông Tiên nói.

Theo ông Tiên, Hà Nội đã đưa ra những tiêu chí, yêu cầu chặt chẽ đảm bảo việc đưa ý tưởng vào thực tiễn. Cụ thể, việc nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng phải theo hướng: đảm bảo phòng chống lũ; tạo lập một đô thị hiện đại; khai thác hiệu quả quỹ đất; tạo quỹ đất cho thành phố để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; ưu tiên tái định cư tại chỗ; phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông; nghiên cứu phương án quy hoạch tuyến đường dọc hai bên sông kết hợp làm đê ngăn lũ.

“Sau khi các nhà đầu tư, tư vấn trình bày ý tưởng thực hiện đồ án quy hoạch, thành phố sẽ tiến hành xem xét, lựa chọn những ý tưởng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu đặt ra, báo cáo cơ quan có thẩm quyền thì mới cho phép triển khai nghiên cứu thực hiện đồ án”, ông Tiên khẳng định.

Quốc Bình

 

Lâm Đồng kêu gọi đầu tư 54 dự án

(Xây dựng) – Trong năm 2017 UBND tỉnh Lâm Đồng ấn định danh mục 54 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Hiện Lâm Đồng có 3 dự án đầu tư xây dựng cấp quốc gia gồm: 200,3km đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nối tỉnh Đồng Nai lên Lâm Đồng (hiện đang thực hiện dự án thành phần 1: Dầu Giây – Tân Phú), với hình thức đầu tư BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước; khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm, cải tạo nâng cấp các nhà ga Đà Lạt, Trại Mát, Dran phục vụ du lịch. Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với quy mô 221,3ha (tổng vốn đầu tư 91 triệu USD), hình thức đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và kêu gọi các nhà đầu tư.

 

Về dự án cấp tỉnh có 51 dự án thuộc 6 lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; đầu tư hạ tầng và khu dân cư; giao thông vận tải; nông nghiệp; du lịch, dịch vụ và thương mại và công nghiệp, nổi bật như: Khu du lịch hồ Prenn; Khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí hồ Nam Phương I, Bảo Lộc với quy mô 200ha; xây dựng khu dân cư – Trung tâm hành chính Nam sông Đa Nhim tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đơn Dương…

Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư trên cả nước có thể tham gia vào các dự án góp phần hỗ trợ xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh Lâm Đồng.

T.Huyền

Thái Nguyên: Nhà đầu tư tiếp tục đề nghị điều chỉnh các dự án đô thị bên sông Cầu

(Xây dựng) – Sáng 21/3, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc họp kiểm tra tiến độ dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu.

Tin từ Cổng thông tin tỉnh Thái Nguyên (thainguyen.gov.vn): Sáng 21/3, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc họp với các ngành Xây dựng; Nông nghiệp & PTNT; Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng; thành phố Thái Nguyên và Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Phúc Lộc để kiểm tra tiến độ dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu.

Tại hội nghị, đại diện Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Phúc Lộc đã báo cáo rà soát khối lượng 9 dự án đã được phê duyệt và đề xuất điều chỉnh các dự án. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất: Xây dựng mới 13,9km và chỉnh trang 2km đoạn đê bờ hữu Sông Cầu đã xây dựng từ cầu Gia Bảy đến cầu Bến Oánh; xây dựng 3 bến thuyền phục vụ du lịch trên sông tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đập Thác Huống; nạo vét 15,2 km, chiều sâu từ 1,5-2m, mở rộng lòng sông và khơi thông dòng chảy Sông Cầu đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống; điều chỉnh chiều rộng cầu Huống Thượng từ 16m thành 21m để bố trí đảm bảo lề đi bộ trên cầu mỗi bên 2,75m…

Được biết: Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc – Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) là nhà đầu tư duy nhất cách đây ít lâu đã trúng sơ tuyển một loạt 9 dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. 9 dự án này đều thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên. Và các dự án này đều do Ban Quản lý dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên làm bên mời thầu. Đến nay, nhà đầu tư đang thiết kế chưa có sự tham gia của các Sở, ngành chức năng.

PV